Thursday, July 19, 2007
D-e^m Saigon -- tuy` bu't Ngo.c Thuy? (PT Saigon San Jose 30-6-2007)
www.quoctoan.com/nhattung (repost)
Phần nhạc hùng ca "Trả Lại Ta Tên Sàigòn" do ban Hưng Ca gồm
Ls Nguyễn Xuân Nghĩa, Nhật Tùng v.v... trình bày. Nhạc phẩm này cũng do ca nhạc sĩ Nhật Tùng sáng tác. Là một người trẻ hiện đang cư ngụ tại thành phố thông xanh và tuyết lạnh Spokane Washington State. Tuy mới tham gia vào Phong Trào Hưng Ca Việt Nam Hải ngoại sau này, nhưng Nhật Tùng đã viết được một số ca khúc rực lửa đấu tranh, cũng như thực hiện được một cuốn CD đầu tay. Nhật Tùng cho biết ca khúc Trả Lại Ta Tên Sàigòn, là anh viết cho Phong trào Quốc Dân Đòi Lại Tên Sàigòn đã
được giới thiệu đến quý quan khách tại Bắc Cali hôm nay.
*
Đêm Sàigòn
tùy bút Ngọc Thủy
Chiều mùa hè vào cuối tháng Sáu thật đẹp, nắng vàng anh rồi chầm chậm xuống lũng đồi Hoa Vàng – San Jose, đêm nhạc chủ đề Nhớ Sàigòn đã được diễn ra tại quán cà phê Paloma trong một khung cảnh thanh lịch, ấm áp. Quan khách tham dự hầu hết là những khuôn mặt thân quen trong giới văn, thi, nghệ sĩ và truyền thông báo chí.
Mở đầu chương trình là phần trình bày của ông Lê Văn Chính, đại diện cho Ban Tổ Chức (gồm các ông Ngô Đức Diễm, Huỳnh Lương Thiện Bùi Đức Ty gởi lời chào mừng đến toàn thể quý quan khách và thân hữu hiện diện. Kế tiếp là phần phát biểu ngắn gọn của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, đến từ Tân Tây Lan, người khởi xướng phong trào Đòi Lại Tên Sàigòn đã được phát động mạnh mẽ trong hai năm vừa qua tại các nước Âu Châu cũng như khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Nơi nào có cộng đồng Người Việt là có tiếng nói thiết tha và sự đòi hỏi chính đáng, đó là: Hãy Trả Lại Tên Sàigòn cho Sàigòn., cho người dân Việt Nam.
Phần mở đầu văn nghệ với hai MC là Ngọc Thủy và Kim Oanh, liên tục giới thiệu đến quý vị quan khách những nhạc phẩm chọn lọc, hát về Sàigòn, hát cho Sàigòn và để chia xẻ cùng nhau bao nỗi niềm yêu mến Sàigòn yêu dấu xưa, những điều nuối tiếc và nhớ thương về Sàigòn bị nhuộm đỏ hôm nay cùng những ước mơ tươi đẹp cho một ngày mai huy hoàng của Sàigòn tương lai.
Ngoài phần thơ Tao Đàn với giọng ngâm trầm ấm của nghệ sĩ Đan Hùng là bài thơ của thi sĩ Trần Trung Đạo “Ba Mươi Hai Năm, Thưa Mẹ, Chúng Con Đi”. Tiếng hát của nam ca sĩ Huy Sinh với hai tình khúc “Ao Lụa Hà Đông” đưa dẫn người thưởng ngoạn vào vùng trời tươi mát mộng mơ.
Phần nhạc hùng ca "Trả Lại Ta Tên Sàigòn" do ban Hưng Ca gồm Ls Nguyễn Xuân Nghĩa, Nhật Tùng v.v... trình bày. Nhạc phẩm này cũng do ca nhạc sĩ Nhật Tùng sáng tác. Là một người trẻ hiện
đang cư ngụ tại thành phố thông xanh và tuyết lạnh Spokane Washington State. Tuy mới tham gia vào Đoàn Hưng Ca hải ngoại sau này nhưng Nhật Tùng đã viết được một số ca khúc rực lửa đấu tranh cũng như thực hiện được một cuốn CD đầu tay. Nhật Tùng cho biết ca khúc Trả Lại Ta Tên Sàigòn, là anh viết cho phong trào Đòi Lại Tên Sàigòn đã được giới thiệu đến quý quan khách tại Bắc Cali hôm nay.
Đặc biệt là các tiếng hát nữ như ca sĩ Cẩm Hà, người vừa rời quê hương sang định cư ở Hoa Kỳ mới được ba tháng với giọng hát mạnh và khá chững chạc qua nhiều năm tháng kinh nghiệm hát cho các tụ điểm văn nghệ Sàigòn. Riêng tiếng hát Đồng Thảo là một tiếng hát quen thuộc và thân mến ở vùng Thung Lũng Hoa Vàng hôm đó thật xuất sắc khi trình bày các nhạc phẩm Năm 54 – 75
của nhạc sĩ Phạm Duy, nói lên tâm trạng của hầu hết những người chung quanh. Những tâm trạng thật não nề và đau thương như những lời đã được ngườii nhạc sĩ viết ra:
“Một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa,
chốn đã chôn nhau, cắt rốn bao nhiêu đời.
Một ngày năm bốn, cha bỏ phương trời,
một miền Bắc tối tăm mưa phùn rơi..
Một ngày năm bốn,
cha phải chia lìa cùng mảnh đất,
nóc giạ cha làm ra,
Hà Nội yêu quý không thể ngăn người,
vì người đã ra đi theo Tự Do.”.
Ôi, thật xót xa, niềm đau thương của dân tộc Việt Nam khi:
“Một ngày năm bốn, cha lìa quê hương, lánh Bắc vô Nam, cha muốn xa bạo cường. Một ngày bảy lăm, đứng ở cuối đường, loài quỷ dữ xua con ra đại dương!”
Ca sĩ Đồng Thảo tâm sự: “Đó cũng là hoàn cảnh của em, vì năm 1954, bố mẹ em phải rời bỏ làng quê miền Bắc để di cư vào Nam lánh nạn Cộng sản. Rồi đến 1975, đến lượt em phải rời xa quê hương bằng cách vượt biển để tìm Tự Do nơi xứ người. Em đã diễn tả bằng hết tâm hồn của em theo tiếng nhạc lời ca đó như:
“Một ngày bảy lăm, con bỏ nước ra đi,
hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ.
Giờ cha lưu đầy ngay trên đất ta
và giờ con lưu đày ở đây trên xứ la.
Giờ nơi nước mình niềm đau thay nỗi vui,
Sàigòn đã chết rồi, phải mang tên xác người.
Đời của cha con, hai lần vẫy chào,
chào từ giã quê hương trong khổ đau.
Đời hai lần ta bỏ quê bỏ nươc.
Phải nuôi ngày sau về ôm Tổ Quốc!”
Được biết Đồng Thảo đã vượt biên tìm Tự Do vào năm 1989, sở thích hồi nhỏ là đam mê ca hát. Cô cho biết, hát trước hết là niềm vui thích của mình. Và khi hát cho mọi người nghe, được mọi người cảm nhận những gói ghém trong nội dung nhạc phẩm qua tiếng hát có thể chuyên chở được của mình thì thực sự là một hạnh phúc lớn.
Từ ngày tới Mỹ, Đồng Thảo theo học ngành Dental Assistan và hiện nay đang làm phụ tá cho một văn phòng Nha Khoa. Một công việc không dính dáng gì đến văn nghệ hoặc ca hát nhưng cô vẫn cố gắng sắp xếp thời giờ để trau luyện tiếng hát của mình mỗi ngày một thêm điêu luyện mượt mà. Người thưởng lãm thích nghe cô hát về nhạc Trịnh Công Sơn nhưng người ta cũng rất thú vị khi nghe cô hát những khúc tình ca khác và đặc biệt là những nhạc phẩm mang giai điệu và tình tự quê hương.
Tiếp nối, tà áo dài tím thướt tha của Thu Nga bay theo tiếng hát ngọt ngào của cô trong ca khúc: “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”, gợi nhớ cho mọi người những kỷ niệm sáng tươi của thời nữ sinh hoa mộng ngọc ngà. Tiếng hát của Thu Nga càng trầm buồn da diết hơn khi cô trình bày nhạc phẩm Một Lần Đi của ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh:
“Sàigòn ơi, ta có ngờ đâu rằng,
một lần đi là một lần vĩnh biệt,
một lần đi là mòn lối quay về,
một lần đi là mãi mãi thương đau,
một lần đi là nghìn trùng cách biệt.
Người tình ơi, ta có ngờ đâu rằng,
một lần đi là vĩnh viễn xa nhau...”
Khi tôi khen hôm nay cô diễn đạt thật tuyệt vời ca khúc đó bằng tiếng hát truyền cảm thấm thía thì cô bùi ngùi tâm sự:
“ Khi em lên tầu vượt biên theo các anh chị trong gia đình, em còn khá nhỏ. Giã từ Ba Mẹ, em không ngờ đó lần chia tay mãi mãi, vì ra đi không lâu thì được tin Mẹ mất nên chẳng bao giờ em còn có dịp đượcgặp lại Me nữa. Đó là nỗi đau thương mà em đã đặt hết tâm trạng của mình trong nhạc phẩm đó như:
“Sàigòn ơi, ta có ngờ đâu rằng
Mẹ hiền xưa giờ về cùng đất lạnh.
Sàigòn ơi, ta có ngờ đâu rằng
một ngày qua là một ngày ly biệt,
một ngày qua là muôn kiếp chia phôi,
là một lần vĩnh biệt...
Lệ khóc cho mẹ già.
Lệ khóc cho người còn ở lại quê hương...”.
Thu Nga vượt biển năm 1980, sau khi ở trại tỵ nạn hai năm cô mới được đặt chân tới Hoa Kỳ. Nơi cư ngụ đầu tiên của cô là thành phố Wichita – Kansas. Theo học ngành Accounting và Điện toán, sau khi ra trường, đi làm một thời gian thì mở tiệm Thẩm Mỹ và cũng có ca hát giúp cho các buổi gây quỹ của Chùa hoặc cộng đồng Người Việt ở địa phương. Vào giữa năm 2003, cô cùng chồng là nhạc sĩ Lê Minh Hiền đã đến San Jose lập nghiệp. Đất lành chim đậu, nên hiện nay cô đã có một đời sống ấm êm hạnh phúc cùng chồng con và điều hành một Thẩm Mỹ Viện rất đông khách tại San Jose. Tuy bận rộn với công việc nhưng ca hát vẫn là niềm đam mê yêu thích của Thu Nga, nhất là sau khi cô đoạt giải Nhì của cuộc thi Tuyển Lựa Ca Sĩ do Trung tâm Kim Lợi tổ chức năm 2004. Từ đó, cô thường xuất hiện vàrất nhiệt tình góp mặt trong các buổi sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt nơi đây.
Cuối cùng, Ngọc Thủy xin phép được giới thiệu đến quý độc giả của tuần báo Việt Tribune và quý thân hữu tham dự trong buổi văn nghệ Đêm Sàigòn vừa qua là một tiếng hát khá đặc biệt của ca sĩ Hồng Hạnh. Cô từng cư ngụ tại San Jose trong nhiều năm, nhưng vì hoàn cảnh công việc nên cô đã dời xuống miền biển ấm San Diego cách đây hai năm. Thương mến Thung Lũng Hoa Vàng nên tuy xa xôi, Hồng Hạnh vẫn thường trở lại thăm chốn cũ và bạn bè, nhất là vẫn mong muốn tiếp tục đóng góp tiếng hát của mình vào các sinh hoạt đoàn thể ở Bắc Cali.
Nữ ca sĩ Hồng Hạnh được biết đến nhiều với những ca khúc trữ tình tươi sáng như: Xuân Và Tuổi Trẻ (La Hối), Tuổi Mười Ba (Ngô Thụy Miên) v.v.... Cô cũng thành công với những ca khúc của nhạc sĩ Hà Thúc Sinh. Được sự yêu mến của khán thính giả và đặc biệt là sự hỗ trợ rất nhiệt tình và đậm đà của phu quân, Hồng Hạnh thực hiện được hai cuốn CD đã được phát hành đến tay quý vị yêu âm nhạc với tiếng hát lả lướt bay cao của Hồng Hạnh.
Đêm Sàigòn được diễn ra trong một không khí rất thân mật, vui vẻ. Mọi người đều hài lòng với những ca khúc chọn lọc và các tiếng hát ngày hôm đó. Ngọc Thủy xin được kết thúc bài viết này với những lời nhạc thiết tha của nhạc sĩ Nam Lộc viết hộ cho tất cả mọi người chúng ta:
“Sàigòn ơi,
tôi xin hứa rằng tôi trở về.
Người tình ơi,
tôi xin giữ trọn lời thề,
dù thời gian có là một thoáng đam mê,
phố phường vạn ánh sao đêm,
nhưng tôi vẫn không bao giờ quên”.
ngọc thủy
------------------------