Sunday, March 11, 2007

Phong van Lm NGUYEN HUU LE (Chuong Trinh Tieng Noi Phuc Hung Viet Nam thuc hien)


http://www.saigonforsaigon.org

Email: s4s@saigonforsaigon.org


Kính thưa quý vị và các bạn,

Chúng tôi kính mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc phỏng vấn với Lm Nguyễn Hữu Lễ do Chương Trình Tiếng Nói Phục Hưng Việt Nam thực hiện.

Xin quý vị bấm vào LINK sau đây để nghe phần
phỏng vấn:

08/03/07


Chương Trình thứ 254 gồm: Phần Trao Đổi với LM. Nguyễn Hữu Lễ về Hoạt Động của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn, Bài Bình Luận "Giải Oan Theo Ý Nghĩa Nào ?" của Nhà Văn Hoàng Tiến.

-------------------------------------------

Linh mục NGUYỄN HỮU LỄ: "Muốn cho tên Sài Gòn được sớm trở về với dân tộc thì tất cả mọi người chúng ta phải pháp hủy đi chướng ngại đã làm cho Sài Gòn bị mất tên. Chướng ngại đó là huyền thoại giả trá Hồ Chí Minh"

Lời giới thiệu: Trong mấy ngày qua, Thư Mời tham dự Đại Hội Thế Giới 2007 của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn được phổ biến rộng rãi trên các cơ quan truyền thông đại chúng. Đây là Đại Hội kỳ 2 của Phong Trào Sài Gòn chuẩn bị tổ chức vào ngày Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2007 tại Paris, thủ đô Pháp Quốc. Để tìm hiểu về Đại Hội này cũng như một số chuyển biến liên quan đến tình hình Việt Nam, Tiếng Nói Phục Hưng Việt Nam (TNPHVN) đã phỏng vấn LM Nguyễn Hữu Lễ, người khởi xướng và đại diện Phong Trào Sài Gòn hiện đang cư ngụ tại Tân Tay Lan. Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn do ĐPV QUANG DŨNG thực hiện và được phát trong chương trình TNPHVN lúc 10 PM (giờ Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ) ngày Thứ Năm, 8 tháng 3, 2007.

Quang Dũng: Quang Dũng xin kính chào linh mục Nguyễn Hữu Lễ.

LM Nguyễn Hữu Lễ: Thưa anh Quang Dũng, tôi rất vui khi gặp lại anh và xin nhờ Quang Dũng qua chương trình Tiếng Nói Phục Hưng Việt Nam cho tôi gởi lời kính chào tất cả quý thính giả thương mến đang theo dõi chương trình trao đổi của chúng ta hôm nay.

Quang Dũng: Thưa cha, câu hỏi đầu tiên là tại sao Đại Hội Thế Giới kỳ II của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn lại tổ chức tại Paris mà không phải là Little Saigon, nơi qui tụ nhiều người Việt nhất ngoài Việt Nam ạ?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Chúng ta biết rằng Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn đã ra đời được hơn một năm nay. Hồi năm ngoái vào ngày 2/7, tức là đúng 30 năm Sài Gòn mất tên thì Phong trào đã tổ chức một Đại hội thế giới lần đầu tiên tại Little Saigon rồi. Nơi đó cũng đã qui tụ rất đông người trong đại hội đó. Cho nên tôi nghĩ rằng với tính cách phổ quát của Phong Trào khắp nơi trên thế giới thì lần này chúng tôi chọn Âu Châu. Âu Châu cũng là một địa bàn rộng rãi mà người Việt chúng ta mặc dầu không đông đảo bằng bên Hoa Kỳ, rãi rác những quốc gia gần nhau trong một cộng đồng Âu Châu, đó cũng là một ý nghĩa về địa dư. Về ý nghĩa chính trị thì chúng ta cũng biết rằng Âu Châu nói chung và đặc biệt là Pháp nói riêng là một nơi mà từ trước tới giờ ảnh hưởng của người cộng sản rất sâu. Có thể nói là người cộng sản hoạt động hoành hành một cách rất rõ rệt tại Âu Châu.

Đây là lần đầu tiên tại  Châu có một phong trào chánh thức lên tiếng về một vấn đề phản đối lại bạo quyền của chế độ phi nhân cộng sản, đó là huyền thoại Hồ Chí Minh. Việc tổ chức tại Paris cũng mang một ý nghĩa về chính trị là một sự đối đầu, một sự bày tỏ một nguyện vọng chánh thức đối với một vấn đề gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam. Đó là vấn đề về cái tên Hồ Chí Minh đã gây ra biết bao tranh luận trong lòng dân tộc. Thứ ba nữa là chúng ta biết rằng hồi trước tới giờ trong lịch sử Việt Nam khi có những biến cố chính trị liên quan đến tình hình đất nước Việt Nam thì thường những cuộc hội nghị, những hòa ước, nghị định hoặc những sự ký kết với nhau giữa các phe phái thường là diễn ra tại Paris. Paris là một nơi mà có thể nói rằng có lịch sử gắn liền khá nhiều với dân tộc Việt Nam. Cho nên lần này chúng tôi tổ chức Đại hội Thế giới 2007 của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn tại Paris cũng mang rất nhiều ý nghĩa trong những điều mà tôi vừa trình bày.

Quang Dũng: Thưa cha, một lần nữa xin cha nhắc lại mục tiêu của Đại Hội Thế Giới 2007 này là gì ạ?

Lm Nguyễn Hữu Lễ: Trong chương trình giới thiệu của Đại hội Thế giới 2007 tại Paris chúng tôi đã có phổ biến cách đây khá lâu trên toàn thế giới biết mục tiêu của Đại hội Thế giới năm 2007 này là “Quyết tâm tẩy trừ huyền thoại giả trá Hồ Chí Minh”. Một đại hội với một chủ đề rõ rệt như vậy có thể đồng bào cũng đã hiểu được qua chủ trương của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn. Ngày 15/1/2006 khi ra mắt Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn tại thành phố Westminster, California, Hoa Kỳ, chúng tôi đã có ghi trong lời tuyên bố mục tiêu của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn là “quyết tâm tẩy trừ huyền thoại Hồ Chí Minh và phục hồi tên Sài Gòn”.
Việc mà người cộng sản Việt Nam ngang nhiên chiếm tên Sài Gòn thân yêu của dân tộc để đổi thành tên Hồ Chí Minh đã được trình bày một cách cặn kẽ và đã được lý luận rất vững vàng trong những tài liệu trong năm qua, đặc biệt nhất là trong Đại hội Thế giới lần thứ nhất năm 2006 tại Nam California, với chủ đề là “Hãy trả tên Sài Gòn cho Sài Gòn”. Mà muốn trả tên Sài Gòn cho Sài Gòn thì chúng tôi nghĩ rằng bước tiếp theo phải làm cho được là phải lật đổ, phải vạch trần huyền thoại giả trá HCM. Vì cái tên HCM chiếm tên Sài Gòn cho nên bây giờ phải trình bày cho đồng bào trong nước và trên toàn thế giới thấy rằng tên HCM này không xứng đáng để đặt ngang hàng với tên Sài Gòn của dân tộc. Tên HCM là tên của chế độ Việt gian cộng sản còn Sài Gòn là cái tên của dân tộc Việt Nam.

Vậy Đại hội Thế giới lần thứ hai năm 2007 tại Paris này, chúng tôi nêu lên vấn đề với toàn thể dân tộc Việt Nam rằng một bên là HCM với chế độ Việt gian cộng sản, một bên là Sài Gòn với dân tộc Việt Nam – bạn sẽ chọn đứng về phía nào? Đó là một mặt trận mở ra rất rõ rệt, làn ranh rất rõ rệt để cho mọi người suy nghĩ và có hành động xứng hợp với vai trò và với lương tri của một người Việt Nam chân chính. Thưa anh, đó là ý nghĩa và mục tiêu của Đại hội Thế giới năm 2007 là “Quyết tâm tẩy trừ huyền thoại giả trá HCM”.

Quang Dũng: Để tiến hành công cuộc tẩy trừ huyền thoại giả trá HCM, ngoài Đại Hội Thế Giới vừa nói qua thì xin cha cho biết Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn còn dự định làm những công tác gì khác nữa hay không ạ?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Dĩ nhiên là một mục tiêu như vậy không phải chỉ được tuyên bố một lần duy nhất trong Đại hội mà thôi. Chúng ta biết rằng Đại hội mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn là một thực tiễn. Nói tượng trưng là bởi vì không thể tất cả mọi người đều qui tụ về trong đại hội đó được, không phải toàn thể dân tộc Việt Nam chúng ta đều có thể có mặt trong Đại hội Thế giới lần thứ 2 tại Paris vào ngày 13/5 năm nay được. Cho nên đại hội đó là một sự tượng trưng của một quyết tâm của một phong trào mở màn cho một chiến dịch rộng lớn hơn.

Thưa anh, ngoài Đại hội Thế giới mà chúng tôi dự định tổ chức tại Pais, thì đó chỉ là một bước đầu để sau đó ban đại diện của Phong Trào sẽ đi một vòng trên thế giới để gặp gỡ và vận động đồng hương tại 15 thành phố lớn ở Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada và Úc Châu. Một chương trình rộng lớn như vậy chứng tỏ quyết tâm của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn là một phong trào lần đầu tiên chánh thức hệ thống hóa và lên tiếng về một mục tiêu rõ rệt là Quyết tâm tẩy trừ huyền thoại giả trá HCM.
Ngoài ra chúng tôi còn cho phát hành một tuyển tập mà chúng tôi tạm gọi là “Sự thật về Hồ Chí Minh”. Như anh biết rằng từ trước tới giờ có rất nhiều những bài báo, những sách, những bài tham luận và những bài khảo cứu viết về nhân vật HCM. Nhưng những công việc đó từ trước giờ nó đang nằm rải rác và đây là lần đầu tiên chúng tôi sẽ xin phép các tác giả đó để cô động lại trong một tài liệu mà đồng bào có thể đọc được, hiểu được, chúng tôi dùng một tên rất nhẹ nhàng, đó là “Sự thật về Hồ Chí Minh”.

Đó là một trong những công tác mà chúng tôi dự định sẽ làm. Tuyển tập này sẽ ra mắt trong đại hội thế giới năm 2007 tại Paris.

Ngoài ra, để kết thúc năm vận động của mục tiêu đó Phong Trào dự định sẽ có một hội nghị về nhân vật Hồ Chí Minh tổ chức tại nam Cali. Đây là một dịp để tất cả mọi người Việt Nam chúng ta đến đó để nghe, để hiểu và để đặt vấn đề cũng như để chia sẻ với nhau về một trường hợp mà tôi coi như là một cái xương nó mắc hốc ngay trong cổ họng của dân tộc mình - đó là cái tên HCM.

Như chúng tôi đã trình bày suốt năm qua, cái tên HCM nó thật sự là một chướng ngại, thật sự là một nguyên nhân gây chia rẽ đến tột cùng trong lòng dân tộc Việt Nam chúng ta. Cho nên đây là dịp để đồng bào tìm hiểu thêm và cảm thấy rằng tại sao dân tộc Việt Nam chúng ta nói chung và tại sao những người miền Nam nói riêng, và đặc biệt nhất là đồng bào Việt Nam hải ngoại cảm thấy rất nhục nhã, rất đau đớn, rất bất công mỗi khi nhắc đến cái tên thành phố HCM.

Thưa anh, đó là những công tác mà chúng tôi dự trù và chắc chắn là Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn sẽ thực hiện trong năm 2007 mà chúng tôi gọi là năm “Tẩy trừ huyền thoại HCM”.

Quang Dũng: Nhân đây xin Cha cho biết thêm chi tiết về tuyển tập "Sự thật về HCM" cũng như về hội nghị mà Cha vừa cho biết là sẽ được tổ chức trong tháng 8 năm nay ạ?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Lúc nãy tôi nói sơ qua rồi, bây giờ tôi muốn đi vào chi tiết. Tuyển tập này không phải là một cuốn sách theo nghĩa là một tác giả viết ra về một vấn đề mà tuyển tập này sẽ bao gồm nhiều mặt, trong đó chúng tôi đặt trọng tâm vào những bài biên khảo có giá trị lịch sử, có giá trị thuyết phục người đọc. Chúng tôi sẽ không cho in những bài viết chỉ để đả kích, chỉ để mạ lỵ một nhân vật nào mà lại không đặt căn cứ vào nghiên cứu lịch sử, hoặc là những bằng chứng cụ thể …chúng tôi sẽ không có những bài viết như vậy. Bên cạnh đó, sẽ có những bài tham luận, những bức tranh ký họa, những bài suy nghĩ về nhân vật HCM, cũng như là những câu chuyện liên quan đến cuộc đời HCM mà người ta đã được biết, đã được nghe và những huyền thoại giả trá được xây dựng chung quanh nhân vật đó. Đây là một Tuyển tập không phải chỉ là những bài khảo cứu nặng nề, nặng về lịch sử, nặng về trích dẫn mà còn là những bài vui, những bài nhẹ nhàng để khi người đọc lên sẽ thấy được mục đích của tuyển tập không phải chỉ dành cho một giới khoa bảng, giới trí thức trong việc nghiên cứu mà thôi mà nó còn là một món ăn vừa với khẩu vị của nhiều tầng lớp đồng bào của chúng ta. Đó là Tuyển tập mà bây giờ chúng tôi đã liên lạc với những người nghiên cứu và chúng tôi sẽ có những bài viết thích hợp cho tuyển tập này.

Và như tôi nói, Tuyển tập này là một tuyển tập mang tích cách giải thích về đường lối và trình bày quan điểm của Phong trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn, cho nên Tuyển tập này không phải là cuốn sách in ra để bán nhưng chúng tôi sẽ xin lại với độc giả số tiền chi phí in ấn và chuyên chở, và như anh biết rằng số tiền này tương đối cũng cao khi mà chúng tôi phát hành tại Mỹ và vận chuyển khắp Úc Châu, Âu Châu và Canada là một chi phí tương đối cũng lớn. Đó là vấn đề chúng tôi trình bày về tuyển tập tạm gọi cái tên rất nhẹ nhàng là Sự thật về HCM.

Ngoài ra, anh có hỏi về Hội nghị phong trào được tổ chức vào tháng 8 năm nay thưa anh. Đây là điều làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Khi mà mình tổ chức hội nghị hoặc hội thảo về một nhân vật, nhất là nhân vật có tranh luận như là nhân vật HCM thì có nhiều người gợi ý với tôi rằng chúng ta nên làm cuộc mở rộng, tạo ra một diễn đàn dành cho tất cả mọi người có những khuynh hướng, những ý kiến khác nhau về nhân vật đó, cũng chấp nhận ý kiến bênh vực, cũng chấp nhận ý kiến đả phá v.v… Nhưng sau khi chúng tôi trao đổi với nhau trong Ban Điều Hành Phong Trào, chúng tôi nhận thấy thế này - Thứ nhất, về nhân vật HCM mà người Việt Nam của chúng ta nói chung khi nhắc tới thì có lẽ đại đa số đồng bào đã thấy là nó nghiêng về phía nào rồi, nó đã nghiêng về phía nào nhất là đối với đồng bào Việt Nam Hải ngoại và đối với đồng bào Việt Nam trong miền Nam xưa và bây giờ, chúng ta biết là nghiêng về phía nào rồi, đó là nghiêng về phía tội ác và nhân vật HCM điển hình cho tội ác xúc phạm dân tộc. Vậy nếu tổ chức một hội nghị như vậy giữa lòng những người Việt Nam tị nạn cộng sản ở hải ngoại, mà chúng tôi chấp nhận đề nghị đó, tức là đưa cho những người bênh vực nhân vật HCM trong một đại hội như vậy là một đề nghị không ổn tí nào cả. Bởi vì, là một người từng sống ở hải ngoại lâu năm và đã từng có dịp đụng chạm rất nhiều đến những phong trào tranh đấu của hải ngoại suốt trong 15 năm qua thì cá nhân tôi nhận thấy : đồng bào Việt Nam hải ngoại rất nhạy cảm, rất dễ bị kích động bởi nhân vật HCM. Chúng ta hãy lấy lại vụ Trần Trường cách đây mấy năm tại nam Cali thì biết, chỉ có một người ngông cuồng mà trưng hình HCM và trưng cờ đỏ sao vàng chẳng hạn thì gặp một sự phản ứng phải nói là khốc liệt dữ dội của đồng bào Việt Nam hải ngoại.
Cho nên bây giờ nếu hội nghị đó mà chấp nhận những người đứng lên diễn đàn mà gân cổ lên bênh vực cho HCM kiểu như một người tự nhận là tranh đấu trong nước tên là Nguyễn Phương Anh nào đó mà nói rằng HCM là người có “9 công 1 tội”, nếu nói kiểu đó tại hải ngoại thì tôi nghĩ nó hoàn toàn không ổn. Và tôi cũng không nghĩ rằng con người đứng lên nói đó có một sự an toàn về bản thân của mình ngay trong hội nghị cũng như sau hội nghị. Cho nên chúng tôi đã không chấp nhận đề nghị đó. Không chấp nhận bởi vì chúng tôi thấy rằng tình thế rất tế nhị, không cho phép chúng tôi làm như vậy.

Vậy hội nghị này sẽ là hội nghị của những người thức giả, những người đã từng sống trong lòng chế độ của cộng sản, những người đã từng tiếp xúc với HCM, những người đã từng sống với HCM, những người đã từng sống trong lòng chế độ bây giờ họ đã thức tỉnh, họ đã hiểu ra, họ đã cảm thấy rằng suốt bao nhiêu năm bị lường gạt thì đây là dịp để những người thức giả đó trình bày với chúng ta những sự thật, những điều tai nghe mắt thấy về con người HCM mà từ trước đến giờ không ai biết được. Ngoài ra đây cũng là dịp để đồng bào xác định rằng HCM là một tên tội đồ của dân tộc, HCM là một người đứng đầu chế độ Việt gian cộng sản, HCM là người đã gây ra tai họa cho đất nước, dân tộc.

Đó là chủ trương mà hội nghị vào tháng 8 tại nam Cali của Phong trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn sẽ thực hiện.

Quang Dũng: Quang Dũng xin hỏi Cha về một số các diễn biến ảnh hưởng không ít thì nhiều đến công cuộc vận động của Phong Trào Sài Gòn. Trước hết là chuyến viếng thăm Việt Nam từ ngày 5 đến 12/3/2007 của đại diện Tòa Thánh. Theo Cha thì chuyến viếng thăm này ảnh hưởng gì đến Thỉnh Nguyện Thư xin phục hồi tên Tổng Giáo Phận Sài Gòn mà Phong Trào Sài Gòn đã chuyển đến Đức Giáo Hoàng vào cuối tháng 12 vừa qua ạ?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Thưa anh, trong câu hỏi của anh tôi xin chia ra làm 2 phạm vi để tôi trả lời.

Thứ nhất là về việc phái đoàn của tòa thánh sắp sửa thăm Việt Nam từ ngày 5 đến 12/3/2007 theo như tin tức đã được loan tải rộng rãi khắp nơi. Chúng ta biết rằng việc đi lại với nhau giữa các phái đoàn tòa thánh trong nhiều năm qua, rồi để đáp lại thì mới đây nhất là thủ tướng Việt Nam là Nguyễn Tấn Dũng đã đi qua thăm Đức Giáo hoàng Benedicto XVI. Tất cả sự kiện đó là một điều đã được bắt đầu từ lâu bằng một chính sách muốn xích lại gần nhau giữa tòa thánh và chế độ CSVN. Chuyện đó nằm ngoài phạm vi của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn, và nó là một đề tài lớn mà chúng tôi không muốn bàn ở đây. Chúng tôi muốn bàn trong một dịp khác, chi tiết và rộng rãi hơn.

Thứ hai, khi anh hỏi rằng chuyến viếng thăm đó có liên quan gì đến Thỉnh nguyện thư mà chúng tôi đã gởi lên Đức Giáo Hoàng vào cuối tháng 12 hay không thì tôi trả lời như thế này: Khi chúng tôi đã gởi thỉnh nguyện thư cùng với toàn bộ hồ sơ chữ ký nặng trên 12 kgs về bộ Ngoại giao tòa thánh thì chúng tôi đã nhận được một thơ hồi đáp của Tổng Giám mục Sandri, tức là phụ tá Quốc Vụ Khanh của Tòa thánh gởi cho tôi vào ngày 29/1/2007. Thơ này chúng tôi đã công bố trong website http://www.saigonforsaigon.org của Phong trào.

Trong thơ đó thì Đức Tổng Giám mục Sandri cũng đã xác nhận rằng bộ ngoại giao đã nhận được thơ và đã chuyển lên đức Thánh cha, và đức Thánh cha rất quan tâm để cứu xét thỉnh nguyện thư đó, và đức thánh cha luôn luôn nhớ đến cộng đồng công giáo ở đây và chúc lành cho con cái tại Tân Tây Lan. Thật sự đó là cái thơ mang nặng tính cách ngoại giao, nhưng dầu sao trong đó cũng cho thấy rằng tiếng nói của 37,046 con người ký tên cộng với thơ hỗ trợ của đức cha Dennis Browne, là Chủ tịch Hội đồng Giám mục New Zealand gởi đi để hỗ trợ cho thỉnh nguyện thư đó thì đã tới tay đức giáo hoàng và các viên chức tòa thánh đã nghiên cứu và chắc chắn là sẽ có một thái độ.

Trong chuyến đi sắp tới đây của phái đoàn Tòa thánh có thể ảnh hưởng gì đến Thỉnh nguyện thư hay không thì tôi không thể trả lời dứt khoát được với anh rằng trong nghị trình của phái đoàn Tòa thánh có nêu lên vấn đề này hay không. Tôi không thể xác định được, nhưng điều tôi có thể xác định được với anh rằng là Thỉnh nguyện thư này cũng là một trong những yếu tố mà phái đoàn Tòa thánh có trong tay như thể là một lá bài để khi đặt ra một vấn đề thương thảo với nhau thì nó có thể có một giá trị nặng ký hơn, tôi thì nghĩ đến chỗ đó mà thôi. Thí dụ nói về những cuộc tự do tôn giáo, những cuộc cởi mở tôn giáo v.v… thì phái đoàn tòa thánh có thể đặt ra những vấn đề mà người Việt Nam đã nêu lên cho thấy rằng chưa thật sự có tự do tôn giáo, chưa thật sự có sự cởi mở, và chưa thật sự có tôn trọng đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam v.v… tôi nghĩ rằng Thỉnh nguyện thư này cũng là một trong những vũ khí mà phái đoàn tòa thánh có trong tay để có thể đặt vấn đề và nói chuyện với những người CSVN.

Đó là điều tôi suy nghĩ, nhưng dầu sao chúng tôi cũng đã có sự hy vọng và có một sự chuẩn bị để có những bước tiếp theo về cuộc vận động cho Thỉnh nguyện thư này. Trước mắt là chúng tôi đã gởi thư qua Tòa thánh, cho Đức TGM Sandri để cám ơn ngài về lá thư và chúng tôi cũng đã xin một buổi gặp gỡ riêng với các viên chức của Bộ Ngoại giao Tòa thánh về vấn đề Thỉnh nguyện thư. Ngày chúng tôi dự định là vào 31/5/2007 khi phái đoàn của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn có mặt ở Âu Châu để tổ chức Đại hội và đi một vòng các nước Âu Châu để giới thiệu Phong Trào.

Quang Dũng: Thưa cha, vào đầu tháng Giêng thì cha có viết một bài mang tên là “Một bài học nhân vụ Tổng Giám Mục Warsaw từ chức”, bài này đã được các cơ quan truyền thông phổ biến rất rộng rãi. Xin cha quảng diễn thêm cho thính giả của chương trình Tiếng Nói Phục Hưng Việt Nam được hiểu rõ thêm về vấn đề này ạ?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Thưa anh, sự kiện ông Tổng Giám Mục (TGM) Wielgus của Warsaw bị bắt buộc phải từ chức vào ngay trong lễ nhậm chức của mình là một sự kiện lớn. Nó lớn là không phải vì vai trò của ông TGM Weilgus mà nó lớn vì nó trở thành một tiếng chuông cảnh báo cho giáo hội Công giáo hoàn vũ nói chung và đặc biệt nhất là cho giáo hội công giáo Việt Nam nói riêng. Sự kiện một Tổng Giám mục của một nước Cộng sản ngày xưa bây giờ đã bị phanh phui ra rằng là có rất nhiều năm ông ta đã từng là một điềm chỉ viên, mật báo viên cho mật vụ của Ba Lan. Hay nếu mình nói theo kiểu bình dân của người Việt Nam chúng ta thì đó là một tên ăng-ten, rình rập những giáo sĩ khác để báo cáo với chế độ Cộng sản để lập công, để được ân huệ. Đây là một sự kiện lần đầu tiên bị phanh phui ra và phanh phui ra một cách nhục nhã. Khi trong bài viết của tôi, tôi có dùng một câu tương đối châm biếm nhưng nó cũng là một sự kiện có thể diễn tả được tình hình rất rõ là ngày hôm đó 7/1/2007 thì ông TGM Wielgus tổ chức một buổi lễ đăng quan, lễ nhậm chức tại nhà thờ chánh toà Warsaw. Warsaw là thủ đô của Ba Lan mà chức vụ TGM của Warsaw có thể nói là chức vụ cao cấp nhất trong hàng giáo phẩm của Ba Lan. Nhưng ngay trong lễ đó, thay vì cử hành một “lễ cưới” thì lại cử hành một “lễ tang”, tức là phải ngồi trước mặt tổng thống, trước mặt bao nhiêu chức sắc cao cấp để bắt buộc đọc một bản văn từ chức khi nước mắt chảy dài và môi miệng méo xẹo… chứng tỏ cho thấy rằng một sự nhục nhã đến tột cùng của một con người. Nhưng thưa anh, nhục nhã đó không phải chỉ nằm trong một ông TGM Wielgus mà thôi, mà sự nhục nhã đó nó nằm bàng bạc trong những cơ cấu của giáo hội Công giáo Ba Lan dưới chế độ cộng sản. Và bây giờ mới vừa đây một ông linh mục đã cho phổ biến một cuốn sách đã điểm mặt chỉ tên khá nhiều những nhân vật giáo sĩ ngày xưa từng cộng tác với chế độ và trong đó theo tôi biết là có ít nhất 4 giám mục đang tại chức tại Ba Lan cùng với một số đông linh mục.

Qua sự kiện đó cho cúng ta một bài học là người cộng sản luôn luôn tìm hết mọi cách để theo dõi và để tẩy trừ những tôn giáo khác nhau, đặc biệt trong đó có Giáo hội Công giáo. Từ bài học đó tôi mới quay trở về Việt Nam chúng ta là suốt trong mấy mươi năm nay dưới chế độ Việt gian cộng sản, tôi không nghĩ rằng những người cộng sản Việt Nam họ ngu muội, khù khờ hơn người Ba Lan. Bởi vì tôi đã từng nói với đồng bào hải ngoại khắp nơi rằng nếu hiểu người CS là những kẻ chuyên dùng thủ đoạn thì mọi người nên biết rằng cộng sản Việt Nam là thầy của những kẻ dùng thủ đoạn. Vậy nếu người mật vụ cộng sản Ba Lan mà đã nghĩ ra được việc tìm những người trong hàng giáo sĩ, móc nối ban cho họ quyền lợi để họ theo dõi, làm tai sai để làm mật thám cộng tác với chế độ để triệt hạ giáo hội thì người CSVN chắc sẽ không ngu muội hơn Ba Lan mấy đâu, nếu không muốn nói là thầy của mật vụ Ba Lan. Họ khôn khéo đến mức độ nào để họ móc nối, họ gài bẫy, họ kéo những hàng giáo sĩ VN vào trong vòng quĩ đạo của họ. Vừa rồi đây thì có danh tánh một số những giáo sĩ VN được nhà nước Việt cộng ban cho huân chương. Điều đó cho thấy gì? Nó cho chúng ta thấy rằng, bề mặt nổi lên là có những giáo sĩ, mà giáo sĩ cao cấp nữa, đã từng được chế độ Việt gian ban cho huân chương cộng tác với chế độ, thì đó là mặt nổi mà thôi. Còn mặt chìm thì biết bao nhiêu âm mưu khác để mà gài bẩy để mà lôi kéo, dụ dỗ, ban cho ân huệ để những người đó cộng tác với chế độ. Và điều này mặc dầu chưa đưa ra ánh sáng nhưng trong lòng dân tộc Việt Nam chúng ta, chúng ta cũng điểm mặt chỉ tên những con người đó là ai.

Bây giờ tôi xin trở lại trường hợp của TGM Wielgus. Tôi chưa có dịp để trình bày chi tiết điều này và tôi nghĩ rằng có một dịp mình sẽ trình bày một cách hệ thống. Tôi xin đặt ra một giả thuyết như thế này. Vâng, đây là 1 giả thuyết thôi, tôi giả thuyết rằng là hành tung của TGM Wielgus không bị phát hiện những việc làm là tội ác của ông ta trong quá khứ được che đậy một cách cẩn thận và không ai biết. Rồi ông ta được chọn lên chức TGM Wielgus tại Warsaw. Thì cho biết rằng chức vụ TGM Warsaw sẽ là một chức vụ của một Hồng y. Và không bao lâu sau thì TGM Weilgus sẽ được thăng lên chức hồng y Weilgus khi ông ta mới có 67 tuổi. Khi Hồng Y rồi thì các vị hồng y có quyền được bầu cử và có thể được cử chọn làm Giáo Hoàng. Tôi cho rằng một vài năm nữa hay 5-7 năm nữa Đức Giáo hoàng hiện tại bây giờ ngài 80 tuổi rồi, có thể Đức Giáo hoàng này sẽ qua đời trước khi Hồng y Wielgus này đạt tới tuổi 80. Tức là Hồng y Wielgus này có thể được bầu làm giáo hoàng nếu trong trường hợp mà người ta tuyển chọn một giáo hoàng trong tương lai.

Tôi đặt vấn đề việc gì sẽ xảy ra trong giáo hội Công giáo hoàn vũ nếu có một vị Giáo hoàng mà đã từng làm tay sai, làm mật vụ, làm ăng ten, làm chó săn cho chế độ Cộng sản Ba Lan. Cái gì xảy ra? Đó là một vấn đề mà chúng ta nên đặt và đặt ra rất rõ. Nếu có một giáo hoàng đã từng là tai sai mật vụ Ba Lan điều khiển giáo hội Công giáo. Như thế thì giáo hội Công giáo sẽ đi về đâu? Đó là một chuyện mà chúng ta nên đặt và đặt rất rõ ràng. Vậy thưa anh việc mà TGM Wielgus bị phát hiện ra sớm thì tôi cũng cho là một thánh ý của Thiên Chúa để ngăn chặn cho giáo hội công giáo khỏi phải rơi vào tay một quỷ vương có thể lên nắm ngôi vị Giáo hoàng. Vậy nó không phải đơn giản chỉ là việc của Tổng Giám Mục Wielgus mà nó là việc ảnh hưởng đến toàn thể giáo hội công giáo nếu tội ác làm tay sai cho mật vụ Ba Lan không bị phát hiện sớm. Thưa anh đó là điều mà tôi muốn quảng diễn và có dịp tôi sẽ quảng diễn rất rõ rệt về suy nghĩ của tôi trước hiện tình những giáo sĩ dưới chế độ cộng sản đã cộng tác với chế độ Cộng sản và không phải tại Ba Lan mà thôi mà điều tôi lo ngại nhất là tại Việt Nam chúng ta.

Quang Dũng: Quang Dũng xin chuyển qua tình hình tại Việt Nam. Xin Cha cho biết cảm nghĩ của cha về trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý bị trục xuất ra khỏi nhà Chung TGP Huế vừa rồi và bị truy tố về tội “âm mưu lật đổ chính quyền” ạ?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Câu hỏi này của anh thì tôi xin chia ra 3 phạm vi để tôi trả lời cho thính giả dễ theo dõi hơn. Thứ nhất là về con người của cha Lý, thứ nhì là về thái độ của hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam, và thứ ba là về thái độ của chính quyền Việt gian CSVN.

Thứ nhất là về con người của cha Lý. Cha Lý rõ ràng là một người can đảm phi thường, là người vì lý tưởng mà dám hy sinh tất cả, an toàn cá nhân cũng như tất cả mọi thứ để đạt được việc đó, và cha Lý là một gương mặt không phải xa lạ gì đối với dân chúng Việt Nam chúng ta từ trước đến giờ. Cho nên việc cha Lý tiếp tục tranh đấu con đường của ngài để đòi lại một sự công bằng cho dân tộc thì điều đó tôi không lấy làm lạ. Và phải nói rằng cá nhân cha Lý thì ngài sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi thứ nào là bắt bớ, tù tội, và có thể cái chết ngài cũng chấp nhận nữa. Cho nên thật sự nói, riêng về phía của cha Lý thì chúng ta kính phục và luôn luôn chúng ta hỗ trợ cho tinh thần, nguyện vọng của cha Lý trong cuộc tranh đấu phản bác lại với chế độ Việt gian CSVN. Cho nên việc của cha Lý là con đường ngài đã đi, ngài đã chọn, và chắc chắn ngài muốn chọn như thế để nó tạo ảnh hưởng rất là lớn, có thể từ đó mà phong trào bùng lên và sẽ có nhiều người tiếp tục hưởng ứng. Và nó giống như thể một cơn gió nhỏ để tạo nên cuồng phong. Cá nhân tôi rất kính phục cha Lý và tôi luôn luôn hỗ trợ cho tinh thần tranh đấu của cha Lý.

Thứ hai là về phía Hội đồng Giám mục Việt Nam và nói chung là của hàng giáo phẩm Việt Nam thì điều mà tôi và có thể nhiều người muốn nghe là ý kiến của Hội đồng Giám mục Việt Nam nghĩ gì về những cuộc tranh đấu của cha Lý cũng như là của phong trào tranh đấu nói chung ở trong nước. Trong đó có một vài sự việc mà hôm nay tôi thấy trên các diễn đàn nêu rất nhiều là việc cha Lý ngang nhiên bị tống xuất ra khỏi tòa TGM Huế để đưa về an trí tại một giáo xứ nhỏ. Cũng như vừa rồi đây thì báo chí có đưa tin tức liên quan đến vụ tượng Đức Mẹ Sầu Bi tại Phát Diệm, bị đập phá… tất cả sự kiện đó nó đã đầy dẫy trên mạng lưới thông tin toàn cầu bây giờ. Bên cạnh đó thì tôi cũng có nhận được nhiều ý kiến liên quan đến việc là bây giờ chúng ta phải làm gì để phản bác lại những hành động như vậy ở trong nước. Nhưng tôi đang đợi chờ mãi thì không thấy một tiếng nói nào của người chủ nhà. Tôi nói thí dụ bây giờ có một ngôi nhà bị cướp, con cái mình bị bắt đi mà người chủ nhà không lên tiếng gì cả thì tôi không hiểu người hàng xóm muốn nói thì đặt căn cứ vào đâu mà nói. Nếu người hàng xóm muốn có sự hỗ trợ cho nạn nhân bị cướp bóc này thì đặt căn cứ vào đâu trong khi người chủ nhà thì lại yên thân, người chủ nhà giờ này lại đang ngồi uống beer, hút thuốc chẳng hạn…. thì làm sao mà chúng tôi có thể bênh vực cho nạn nhân bị cướp bóc này.

Việc tượng Đức Mẹ bị đập phá thì chúng tôi được thấy trên báo chí thông tin, nhưng chúng tôi không biết rằng Đấng Bản quyền của địa phận Phát Diệm nghĩ vì về việc tượng Đức Mẹ này bị đập phá, có lúc tôi đặt câu hỏi nó có thật hay không? Nếu có thật như vậy thì tại làm sao Đấng bản quyền tại địa phương lại không lên tiếng mà lại coi đó là một sự kiện như thể bình thường? Đó là những câu hỏi của tôi. Và tôi suy nghĩ rằng nếu mà chúng ta muốn có sự tranh đấu trong vụ này thì chúng ta tranh đấu để hỗ trợ chớ không phải tranh đấu dùm. Tôi xin nhắc lại, nếu đồng bào hải ngoại chúng ta muốn tranh đấu cho một vấn đề gì trong nước thì chúng ta là những người tranh đấu hỗ trợ chớ không phải thay thế người đó để mà tranh đấu. Thí dụ việc cha Lý bị bắt ra khỏi tòa Giám mục Huế một cách rất thô bạo thì như vậy rõ ràng nó xúc phạm đến ngôi nhà của tòa TGM, đó là tôi nói về địa dư. Thứ hai là xúc phạm đến uy quyền của một TGM ở Huế, đó là bộ mặt của người có quyền trực tiếp về cha Lý. Khi Việt cộng đến bắt cha Lý đưa đi thì tôi nghĩ người đầu tiên phải đặt vấn đề đó là TGM Huế. Khi TGM Huế mà đặt vấn đề thì chắc chắn tất cả mọi người chúng ta sẽ lên tiếng hỗ trợ cho tiếng nói của ngài. Đàng này TGM Huế đến giờ này chưa có một bản văn nào trong chuyện đó cả. Tôi rất hoài nghi và đặt nhiều câu hỏi, sự việc xảy ra như vậy nó là cái gì, là như thế nào? Có người nói với tôi rằng xin cha hãy lên tiếng để hỗ trợ. Tôi hỏi lên tiếng ở chỗ nào? Lên tiếng như thế nào trong khi những việc xảy ra một cách cụ thể như vậy mà những Đấng bản quyền địa phương lại không có một tiếng nói nào cả!

Còn việc mà người Cộng sản âm mưu triệt hạ tôn giáo thì điều này tôi đã từng lên tiếng hàng mười mấy năm nay rồi chớ không phải bây giờ tôi mới lên tiếng. Cho nên chuyện đó chúng ta phải đặt cho rõ về vai trò của Đấng bản quyền địa phương và hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam nói chung.

Điều thứ ba là về phạm vi hành của những người cộng sản. Cho đến giờ này vẫn chưa kiểm chứng được những điều đó xảy ra như vậy nó là cái gì, nó có thật sự hay không. Mà nếu thật sự thì tại sao những người có thẩm quyền không lên tiếng. Nếu thật sự có xảy ra đi nữa là điếu cho thấy rằng là người Cộng sản coi Giáo hội Việt Nam không ra một cái gì cả. Muốn làm gì thì làm, muốn bắt ai thì bắt, muốn triệt hạ ai thì triệt hạ. và họ biết rằng không bao giờ họ gặp sự phản đối nào về phía đại diện chánh thức của giáo hội Công giáo Việt Nam cả. Nếu họ nắm được cái tẩy đó rồi thì họ sẽ múa gậy vườn hoang.

Cho nên vấn đề này là một đề tài lớn mà tôi chưa có dịp để trình bày đầy đủ với đồng bào. Thứ nhất là về sự kiện Nguyễn Tấn Dũng qua thăm Đức Giáo Hoàng thì tôi cho đây là một sự kiện hoàn toàn hình thức ngoại giao mà thôi, và trước khi sự kiện Nguyễn Tấn Dũng qua thăm Đức Giáo hoàng thì trước đây đã có một sự kiện là người CSVN cho phép phong chức 57 linh mục tại miền Bắc. Những việc đó tôi cho rằng hoàn toàn mang tính chính trị mà thôi. Và nó là một âm mưu rất rõ rệt của chế độ Việt gian cộng sản đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam. Nó không mang ý nghĩa thực tế về sự nới rộng về tôn giáo, một sự nhẹ nhàng hơn đối với Giáo hội. Nó toàn nằm trong một âm mưu chính trị để đánh bóng chế độ, tạo nên một bộ mặt dễ coi và từ đó dọn đường cho Nguyễn Tấn Dũng qua thăm đức Giáo hoàng. Và từ đó có thể tôi nghĩ là một chuyện phải tới là bình thường hóa ngoại giao giữa tòa thánh và chế độ Việt gian CSVN.

Cho nên vấn đề của cha Lý đặt ra, nó là một sự kiện để cho đồng bào Việt Nam chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta không phải ủng hộ cha Lý vì tình cảm, mà tôi ủng hộ cha Lý vì lập trường tranh đấu và vì sự kiên cường của cha Lý. Cũng như trước đây có nhiều người đặt ra vấn đề đời tư của cha Lý, rồi căn cứ vào đời tư đó mà nói rằng không cần ủng hộ cha Lý. Tôi không nghĩ như vậy, việc đời tư của cha Lý là một chuyện còn lập trường tranh đấu của cha Lý lại là một chuyện khác. Mà chắc chắn gì mà chúng ta nghĩ rằng những tin tức nghe được về đời tư cha Lý là một tin tức xác thực hay là một tin tức mà người ta muốn tạo lên để vô hiệu hóa sự ủng hộ đối với cha Lý. Cho nên trong cuộc tranh đấu này chúng ta phải hết sức sáng suốt, đặt vấn đề đâu ra đó. Tôi ủng hộ cha Lý không phải vì tình cảm đối với cha Lý mà vì sự kiên cường, lập trường bất khuất của cha Lý đương đầu với chế độ Việt gian CSVN.
Đây là dịp mà tôi muốn quảng diễn hơi dài để cho đồng bào hiểu được tình thế tương đối tế nhị đang xảy ra trong nước Việt Nam chúng ta.

Quang Dũng: Thưa cha, trước những sự kiện nêu trên thì theo cha liệu rằng bao giờ Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn mới đạt được mục tiêu là Sài Gòn được mang lại tên Sài Gòn ạ?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Thưa anh, câu hỏi này tương đối rộng. Như trong những lần quảng diễn tôi đã từng thưa chuyện với đồng bào là cái tên Sài Gòn thân yêu của dân tộc chỉ được hoàn trả lại cho dân tộc khi nào chế độ Việt gian CS bị sụp đổ. Cũng như thành phố St. Pertersburg bên Nga đã được hoàn trả cho dân tộc Nga sau khi chế độ Liên Xô sụp đổ. Vậy thì muốn cho tên Sài Gòn được sớm trở về với dân tộc thì tất cả mọi người chúng ta phải pháp hủy đi chướng ngại mà đã làm cho Sài Gòn bị mất tên. Chướng ngại đó là huyền thoại giả trá HCM.

Cho nên đây là một con đường chúng tôi đi đường vòng. Chúng tôi không đặt vấn đề từ gốc lên ngọn mà chúng tôi đặt vấn đề từ ngọn xuống gốc. Nghĩa là chúng tôi muốn đòi lại tên Sài Gòn, mà muốn đòi lại tên Sài Gòn thì dân tộc Việt Nam phải hủy diệt đi huyền thoại HCM là huyền thoại giả trá mà người cộng sản dựng lên để vì tên đó chiếm mất tên Sài Gòn. Khi huyền thoại giả trá đó bị đánh tan đi thì chế độ Việt gian CS không còn đất để tồn tại được nữa thì chế độ đó phải bật gốc, phải sụp đổ. Đó là một lý luận mà chúng tôi nghĩ rằng tiến trình nó phải tới.

Vậy tại sao tôi nói rằng huyền thoại giả trá HCM là một cái đê, là một lá chắn cho chế độ độc tài? Bởi vì đây là điều tôi nói rất nhiều lần, tôi xin toàn thể đồng bào Việt Nam chúng ta hãy bình tâm suy nghĩ. Chế độ cộng sản hiện nay tại Việt Nam nó còn dựa vào cái gì để tồn tại? Nếu nói rằng dựa vào chủ nghĩa Mác Lê thì chủ nghĩa Mác Lê đã từng bị những người khai sinh ra nó vứt vào sọt rác của lịch sử rồi. Cho nên Mác Lê bây giờ trở thành một bãi rác của lịch sử rồi. Vậy thì còn cái gì để người CSVN dựa vào để tồn tại nữa.

Nếu nói rằng quay trở về với dân tộc thì một chế độ muốn được vững vàng thì phải xây dựng trên những căn bản, nguyên tắc nào đó. Thì bây giờ CSVN dựa vào cái gì để xây dựng căn bản đó. Nếu nói về văn hóa thí nó đồi trụy không tưởng tượng được, nói về giáo dục thì gần như nó tan hoang, không còn cái gì gọi là hệ thống giáo dục cả, nếu nói về xã hội nó băng hoại đến tột cùng, nào là nạn đĩ điếm ma cô, buôn lậu, cần sa đủ thứ…Việt Nam chúng ta bây giờ là một xã hội mà chúng tôi có thể dùng một chữ rõ ràng là “thối nát”, xã hội đầy bất công và xã hội người bốc lột người. Nếu nói về kinh tế thì chế độ này đang quý gối xuống, lạy lục ngửa tay xin tiền các nơi. Ngày xưa chửi Mỹ bây giờ phải quý gối xuống trước mặt người Mỹ xòe bàn tay ra để xin từng đô la của người Mỹ để tồn tại. Nếu nói về thương mại thì bây giờ hệ thống làm ăn quốc doanh nó sản xuất những mặt hàng mà thế giới bây giờ coi như là rác rưỡi.

Nói chung là không có cái gì để nó dựa vào đó để tồn tại được cả. Thế thì nó phải quay trở về đánh bóng nhân vật HCM. Tôi không nghĩ rằng người CSVN kính yêu gì HCM cả, nhưng nó dùng HCM như một lá bài để ru ngủ đồng bào Việt Nam chúng ta, để lường gạt đồng bào là đó là một người ái quốc vĩ đại. Để rồi bảo vệ di sản HCM. Cho nên họ đánh bóng và tạo ra tư tưởng HCM. Mà thật sự ra chính những người CSVN họ cũng chẳng biết tư tưởng HCM nó là cái gì cả. Không ai biết là cái gì cả. Ngoài tư tưởng đi ăn cắp của chế độ cộng sản quốc tế.

Cho nên việc mà người CSVN ra công đánh bóng huyền thoại HCM là không lạ gì cả. Họ bày ra trò tôn thờ xác chết là trò mà người Việt Nam chúng ta từ xưa tới giờ chưa có, nó tạo ra một hình thức tôn thờ xác chết HCM, bắt buộc mọi người đến đó để đi “viếng bác”… tất cả cái đó tạo ra một hình thức mê hoặc đồng bào. Cho nên đây là một huyền thoại mà dân tộc Việt Nam chúng ta phải sáng mắt ra và phải tẩy trừ cho bằng được. Và đây là lần đầu tiên một phong trào của dân tộc Việt Nam là Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn chủ xướng một quyết tâm, một chiến dịch rộng lớn trên toàn thế giới quyết tâm tẩy trừ huyền thoại giả trá HCM.

Thưa anh, câu hỏi của anh tôi xin tóm lại bao giờ thì tên Sài Gòn sẽ được trả về dân tộc. Tôi trả lời rằng tên Sài Gòn trả lại cho dân tộc sớm hay muộn là do quyết tâm của từng người Việt Nam chúng ta phải tẩy trừ cho được huyền thoại giả trá HCM.

Quang Dũng: Quang Dũng rất cám ơn cha Nguyễn Hữu Lễ đã cho biết quan điểm về những diễn biến chính trị đang xảy ra tại Việt Nam. Trước khi chấm dứt cuộc trao đổi hôm nay, cha còn điều gì muốn tâm tình thêm với thính giả của chương trình Tiếng Nói Phục Hưng Việt Nam không ạ?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Thưa anh, một tâm tình duy nhất mà có lẽ hôm nay tôi muốn gởi đến cho quý thính giả là năm 2007 là năm Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn quyết tâm mở một chiến dịch rộng lớn và quyết liệt trên toàn thế giới là “Tẩy Trừ Huyền Thoại Giả Trá Hồ Chí Minh”. Tôi ước mong được đồng bào hưởng ứng, đồng bào đóng góp ý kiến và ủng hộ cho chiến dịch rộng lớn này. Đó là điều duy nhất mà tôi xin gởi đến đồng bào hôm nay.

Tôi xin kính chúc đồng bào khắp nơi trên thế giới một năm 2007 được an khang, thịnh vượng và nhất là năm Đinh Hợi được nhiều may mắn và cầu mong cho tất cả mọi người Việt Nam chúng ta thấy được điều này, là sự công bằng được trả về cho dân tộc Việt Nam, huyền thoại Hồ Chí Minh là huyền thoại giả trá phải bị đập đổ, thành phố Sài Gòn thân yêu của dân tộc Việt Nam chúng ta đã có lịch sử hơn 300 năm phải được phục hồi tên gọi thành phố Sài Gòn cho Sài Gòn. Đó là lời tôi xin dùng để kết thúc buổi nói chuyện với anh hôm nay. Và qua anh Quang Dũng tôi xin cám ơn chương trình Tiếng Nói Phục Hưng Việt Nam đã cho tôi cơ hội để trình bày ý kiến. Và xin cám ơn tất cả quý đồng bào thương mến trong và ngoài nước đã theo dõi chương trình phát thanh hôm nay.


* TIẾNG NÓI PHỤC HƯNG VIỆT NAM, phát thanh mỗi Thứ Năm hàng tuần vào 10 giờ tối (giờ Hoa Thịnh Đốn) trên tần số của Hệ Thống Đài Phát Thanh VIỆT NAM HẢI NGOẠI. Thính giả có thể nghe lại các buổi phát thanh nầy trong website http://www.phvn.org