Monday, September 25, 2006

Phong van Lm NGUYEN HUU LE (Chuong Trinh Tieng Noi Phuc Hung Viet Nam thuc hien)


http://www.saigonforsaigon.org

Kính thưa quý vị và các bạn,

Chúng tôi kính mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc phỏng vấn với Lm Nguyễn Hữu Lễ do Chương Trình Tiếng Nói Phục Hưng Việt Nam thực hiện.

Xin quý vị bấm vào LINK sau đây để nghe phần phỏng vấn:

21/09/06

Chương Trình thứ 230 gồm: Lời Kêu Gọi Đặc Biệt Số 6 của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn, Phần Phỏng Vấn của Đặc Phái Viên Hải Sơn với LM. Nguyễn Hữu Lễ, Bài tham luận "Tôn Giáo Không Bạo Lực" của Ngô Nhân Dụng, "Quan Hệ Giữa Tham Nhũng và Chế Độ Hiện Nay" của Phạm Mai Hoa Hưng Yên, Bài Bình Luận "Phải Chiến Thắng” của Huỳnh Khánh Hòa.

-------------------------------------------


Linh Mục NGUYỄN HỮU LỄ : “Phong Trào Sài Gòn đã dự liệu những hành động thích ứng cho từng phản ứng của Giáo Hội trước Thỉnh Nguyên Thư trả tên Tổng Giáo Phận Sài Gòn"

Lời giới thiệu: Ngày 15 tháng 9, 2006, Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn đã công bố “Lời Kêu Gọi Đặc Biệt số 6” kêu gọi đồng hương ký tên ủng hộ thỉnh nguyện thư xin Toà thánh La Mã trả lại tên Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Để tìm hiểu thêm về Lời Kêu Gọi Đặc Biệt nầy, Tiếng Nói Phục Hưng Việt Nam đã phỏng vấn LM NGUYỄN HỮU LỄ, người khởi xướng và là đại diện Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn, hiện đang cư ngụ tại Tân Tay Lan. Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn do ĐPV HẢI SƠN thực hiện và được phát trong chương trình Tiếng Nói Phục Hưng Việt Nam lúc 10 PM (giờ Hoa Thịnh Đốn) ngày Thứ Năm, 21 tháng 9, 2006.

Hải Sơn: Kính chào LM NGUYỄN HỮU LỄ. TNPHVN rất hân hạnh được LM nhận lời tham dự cuộc trao đổi trong chương trình phát thanh hôm nay. Thưa Cha, Lời Kêu Gọi Đặc Biệt (LKGDB) số 6 nêu sự kiện là Toà Thánh La Mã đã đổi tên Tổng Giáo Phận Sài Gòn ra là Tổng Giáo Phận thành Phố Hồ Chí Minh vào ngày 23 tháng 11 năm 1976. Xin Cha cho biết do động cơ nào mà Tòa Thánh lại làm như vậy?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Trước tiên tôi xin chào anh Hải Sơn và xin chào tất cả quý thính giả của chương trình phát thanh Tiếng Nói Phục Hưng Việt Nam (TNPHVN).

Thưa anh, về sự kiện tòa thánh đổi tên TGP Sài Gòn trở thành TGP thành phố Hô` Chí Minh tôi đã nêu lên rất rõ trong bài viết của tôi vào ngày 2/11/2005. Bài đó mang tên “Vài điều suy nghĩ về tên gọi TGP thành phố Hô` Chí Minh”. Hôm nay tôi xin giới thiệu lại bài đó được đăng trên website http://www.saigonforsaigon.org/ để độc giả có thể vào đó tìm hiểu thêm.

Việc tòa thánh đổi tên TGP Sài Gòn trở thành TGP thành phố Hô` Chí Minh rõ ràng là do áp lực của một số giáo gian trong TGP Sài Gòn lúc đó. Như chúng ta biết rằng sau khi người cộng sản chiếm miền Nam được 1 năm thì vào ngày 2/7/1976 họ đã ra quyết định chánh thức đổi tên thành phố Sài Gòn trở thành thành phố HCM. Năm tháng sau đó, vào ngày 23/11/1976 dưới áp lực chính trị của bọn giáo gian trong TGP Sài Gòn cũng đã xin với tòa thánh đổi tên TGP Sài Gòn trở thành tên TGP thành phố Hô` Chí Minh.

Điều này đã gây sự kinh ngạc, đau khổ và phải nói là sự tủi nhục cho tất cả những người công giáo Việt Nam chân chính nào mà cảm thấy rằng từ nay tên TGP Sài Gòn thân yêu của giáo hội Việt Nam phải mang trên đầu trên cổ mình tên của một kẻ đứng đầu chế độ CS vô thần, đó là tên HCM. Điều đó đã xảy ra vào ngày 23/11/1976 mà chúng tôi đã nói rất rõ trong bài viết cũng như trong những lần chúng tôi đi nói chuyện khắp nơi trên thế giới trong một năm qua.

Hải Sơn: Xin cha cho biết chiến dịch vận động chữ ký hỗ trợ cho thỉnh nguyện thư để xin hoàn trả lại tên TGP Sài Gòn đã được tiến hành như thế nào ạ?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Trước khi Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn chính thức ra đời, trong thời gian chuẩn bị chúng tôi đã công bố một chương trình của chiến dịch vận động chữ ký để xin với tòa thánh La Mã hoàn trả lại tên TGP Sài Gòn và bỏ đi tên TGP thành phố HCM. Cuộc vận động chữ ký đó bắt đầu từ ngày 23/11/2005 và sẽ kéo dài đúng 1 năm tức là ngày 23/11/2006.

Chúng tôi chọn thời điểm đó là bởi vì để đúng vào dịp 30 năm tên TGP Sài Gòn bị đổi thành tên TGP thành phố Hô` Chí Minh. Cuộc vận động chữ ký đó tiến hành theo những giai đoạn sau đây:

Thứ nhất là chúng tôi mời gọi một số các thành viên trong ban vận động chữ ký khắp nơi trên thế giới, kể cả trong nước. Mỗi quốc gia, mỗi thành phố nào có thể mời được thì chúng tôi mời 1 hoặc vài người đứng vào ban vận động chữ ký.

Thứ hai, chúng tôi cho thiết lập một website có tên là http://www.tonggiaophansaigon.org/ để tất cả mọi người sử dụng internet thì truy cập vào đó và có thể ký tên online. Và tất cả hệ thống vận động chữ ký tại địa phương cũng như vận động ký tên trên internet chúng tôi đã qui về một mối và do một người chịu trách nhiệm điều hành sắp đặc, đúc kết và lập hồ sơ. Đó là cô Nguyễn Thanh Hà điều hành và là người trưởng ban, chịu trách nhiệm chiến dịch vận động chữ ký khắp nơi. Hiện nay Cô Nguyễn Thanh Hà là thành viên của Ban Điều Hành của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn, đaị diện cho Phong Trào tại Úc Châu và trong thời gian qua đã chứng tỏ việc làm rất là nhịp nhàng, rất điều đặn và chu đáo.

Dĩ nhiên trong cuộc vận động chữ ký, có nơi thì nhiều có nơi thì ít. Chúng ta cũng phải cảm thông cho hoàn cảnh của Phong Trào vừa mới ra đời được 8 tháng nay cho nên số nhân sự vẫn còn ít, phương tiện còn yếu kém và sự phổ biến cũng chưa bao quát lắm. Nhưng tôi nghĩ rằng tất cả mọi người mọi nơi đều đã được nghe đến chiến dịch vận động chữ ký này.

Hải Sơn: Cha có nói là trong Lời Kêu Gọi Đặc Biệt số 6 cho biết là sau thời gian phát động đã có hơn 34,000 người đã ký tên ủng hộ thỉnh nguyện thư. Thưa Cha, con số 34,000 chữ ký này theo Cha là nhiều hay ít ạ? Nói cách khác kết quả như vậy có đúng với kỳ vọng của Cha không?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Thật sự tôi có thể nói con số hơn 34,000, phải nói chính xác là tôi vừa mới kiểm tra lại là 34,266 chữ ký tính cho đến ngày hôm nay. Đó là con số quá ít so với tổng số của dân tộc Việt Nam chúng ta, hay nói là quá ít so với tổng số người công giáo Việt Nam khắp nơi trên thế giới và có thể nói là quá ít so với những người mà có một tâm trạng đau buồn và tủi nhục vì cái tên TGP thành phố Hô` Chí Minh.

Nhưng thưa anh, đứng về một phương diện khác thì tôi coi đây là quá nhiều. Bởi ví chúng ta phải thành thật công nhận rằng lần đầu tiên chúng ta tổ chức một cuộc vận động chữ ký rất khoa học được kiểm tra từng chữ ký một và đã lập hồ sơ từng chữ ký một. Và tại sao tôi nói quá nhiều? Là bởi vì trong con số này, ngoài những người công giáo Việt Nam còn một số rất đông những đồng bào không phải là người công giáo cũng đã ký tên vào đó. Đặc biệt hơn nữa là nhiều ngàn chữ ký là của đồng bào Việt Nam từ trong nước ký tên gởi ra. Như thế cho thấy rằng cuộc vận động chữ ký này đã được ăn sâu vào khắp nơi, vào trong các phạm vi mà chúng ta biết rằng rất khó khăn. Thí dụ như người trong nước hoặc sự chấp thuận, đồng ý của những đồng bào Việt Nam không phải là người công giáo. Đứng về phương diện đó tôi cho đó là quá nhiều là bởi vì với con số 34,266 chữ ký cho đến giờ phút này (10 tháng) thật sự mà nói là nó vượt qua sự mong ước của tôi. Khi tôi bắt đầu phát động chiến dịch này vào ngày 23/11/2005 thì chúng tôi dự trù nếu cho đến một năm sau mà chúng tôi lập được hồ sơ đàng hoàng, nếu với khoảng 20,000 – 25,000 chữ ký thì tôi cho đó là một sự thành công. Bởi vì anh biết đây là vấn đề tế nhị, không đơn giản. Nó là sự tranh luận, một phía bênh vực một phía bác bỏ. Khi những thành viên vận động chữ ký chúng tôi đến các giáo xứ thì đại đa số các nơi chúng tôi đều gặp sự từ chối phũ phàng. Đại đa số khắp nơi chúng tôi nhận được những lời kết án rất nặng nề. Nói rằng đây là những nhóm phản động, nhóm chống giáo hội, nhóm bất chấp Tòa Thánh v..v… Chúng tôi phải chịu rất nhiều khó khăn và phải nó là sỉ nhục nữa.

Nhưng thưa anh, lương tri con người Việt Nam chúng ta có lúc nó phải dừng lại và lên tiếng. Các thành viên trong Ban Vận Động Chữ Ký chấp nhận tất cả những sự sỉ nhục đó, chúng tôi chấp nhận tất cả sự từ chối đó, nhưng tôi phải nói rằng tôi đánh giá cao sự vận động của các thành viên của chiến dịch trong thời gian qua, âm thầm kiên trì chịu khó làm việc, lăn lộn khắp nơi. Cuối cùng đến ngày hôm nay được 34,266 chữ. Và cho đến ngày kết thúc là 23/11/2006 tôi nghĩ rằng sẽ còn được một số chữ ký nữa. Và sau khi bài phát thanh này tôi nghĩ đồng bào sẽ được nghe và sẽ ký tên nhiều hơn.
Tôi xin trả lời với anh rằng kết quả như vậy thật sự là đúng với kỳ vọng của tôi và có thể nói là vượt quá kỳ vọng của tôi nữa.

Hải Sơn: Thưa cha, cha nghĩ là phản ứng của Tòa Thánh sẽ như thế nào khi chính thức nhận được thỉnh nguyện thư và đối sách của PTSG trong mỗi tình huống sẽ ra sao trong thời gian tới ạ?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Sau khi chiến dịch vận động chữ ký khóa sổ vào ngày 23/11 sắp tới đây, thì chúng tôi sẽ làm thủ tục trong vòng một tháng. Vào ngày 23/12/2006 thì chúng tôi sẽ chánh thức gởi thỉnh nguyện thư cùng toàn bộ hồ sơ chữ ký này về Tòa Thánh qua đường ngoại giao, tức là qua trung gian của Khâm sứ Tòa thánh tại Tân Tây Lan. Đó là điều mà chúng tôi đã khẳng định khi bắt đầu phát động chiến dịch. Sau khi gởi ra rồi thì có thể chúng tôi dự trù có 3 trường hợp sẽ xảy ra:

-Trường hợp thứ nhất là Tòa Thánh nhận được thỉnh nguyện thư, cứu xét và trả lời rằng đây là nguyện vọng chánh đáng của dân tộc Việt Nam và Tòa Thánh ra quyết định đổi lại tên TGP thành phố Hô` Chí Minh trở lại tên TGP Sài Gòn. Đó là sự thắng lợi cho dân tộc Việt Nam.

-Tình huống thứ hai có thể xảy ra là Tòa Thánh sẽ nhận được thư thỉnh nguyện này nhưng trả lời rằng không chấp thuận là bởi vì nó không phù hợp hoặc là vì có những trở ngại gì đó mà Tòa Thánh không thể đổi lại tên TGP thành phố Hô` Chí Minh trở lại tên TGP Sài Gòn.

-Tình huống thứ ba là Tòa Thánh có thể nhận được thỉnh nguyện thư nhưng giữ thái độ im lặng hoàn toàn coi như là không biết đến có thỉnh nguyện thư đó.

Thưa anh, tất cả 3 tình huống đó chúng tôi đã dự liệu và có dự trù phương sách để hành động tùy theo trường hợp. Nếu trường hợp thứ nhất xảy ra, tức là Tòa Thánh chấp nhận việc đổi lại tên TGP thành phố Hô` Chí Minh trở lại tên TGP Sài Gòn thì đó là điều vui mừng chung cho toàn thể dân tộc Việt Nam và đặc biệt nhất là cho những người đã ký tên vào thỉnh nguyện thư xin với tòa thánh .

Trường hợp thứ hai, nếu tòa thánh nói rằng điều này không phù hợp và tòa thánh sẽ không đổi lại tên như chúng ta thỉnh nguyện thì bắt buộc Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn phải có một bước thứ hai nữa để theo đuổi mục tiêu của mình đã đề ra.

Và tình huống thứ ba là nếu tòa thánh giữ im lặng hoàn toàn, không trả lời gì cả, coi nhu không có Thỉnh Nguyện Thư, thì chúng tôi nghĩ rằng có thể còn thiếu một yếu tố nào đó mà yếu tố đó chưa lên tiếng thì tòa thánh không trả lời. Thí bắt buộc chúng tôi phải làm mọi cách để yếu tố đó phải lên tiếng để tòa thánh trả lời với chúng tôi.

Thưa anh đây là 3 điều mà chúng tôi đã dự trù và chắc chắn rằng cho dầu chuyện gì xảy ra thì 3 phản ứng của tòa thánh cũng sẽ được chúng tôi phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Tôi xin nhắc lại, cho dầu tình huống nào xảy ra đi nữa thì quyết định của tòa thánh hoặc công nhận trả lại tên, hoặc nói rằng không trả lại tên, hoặc giữ im lặng hoàn toàn thì quyết định đó cũng sẽ được Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn công bố một cách rộng rãi trên toàn thế giới, và đặc biệt nhất là đối với toàn thể dân tộc Việt Nam.

Hải Sơn: Thưa cha, xin bước qua một lãnh vực khác là ngày 8 tháng 9 vừa qua, Phong Trào Sài Gòn qua một bản lên tiếng do Cha ký tên đã kêu gọi đồng hương làm mọi cách để ngăn chận việc Thái Lan dẫn độ Lý Tống về Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Phong Trào Sài Gòn đã chính thức lên tiếng về một sự cố không có liên hệ gì đến vấn đề Sài Gòn. Xin Cha cho biết lý do gì, động lực nào đã thúc đẩy Phong Trào Sài Gòn công bố bản lên tiếng này ạ?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Thưa anh, người ta thường có một câu nói trong dân gian là “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Trường hợp của anh Lý Tống, đó là một người đã từng bày tỏ sự bất mãn và bài bác sự bất công độc tài của chế độ Việt Nam. Mặc dầu, như tôi đã nói trong bản lên tiếng là cách thức anh Lý Tống bày tỏ đó có khi một số người thấy không phù hợp. Nhưng dầu sao khi anh Lý Tống bị sa vào hoàn cảnh này, đứng trước tương lai có thể bị trao trả cho kẻ thù, tức là trao trả lại cho chế độ CSVN thì chúng tôi bắt buộc phải lên tiếng vì hai lý do. Thứ nhất là vì tình chiến hữu. Dầu thế nào đi nữa thì anh Lý Tống và cá nhân chúng tôi cũng như Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn và những đoàn thể khác cũng có chung một mục đích là phải vạch trần bộ mặt xấu xa độc ác của chế độ CSVN. Chúng tôi gọi đó là những chiến hữu có chung một mục đích với nhau.

Thứ hai, việc Lý Tống có thể bị trả về cho CSVN, chúng tôi lên tiếng vì còn có tình nhân đạo nữa, lòng con người với con người. Cho nên chúng tôi thấy rằng đây là bổn phận mà như anh nói lần đầu tiên Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn lên tiếng về một vấn đề không liên quan gì đến vấn đề Sài Gòn.

Ngoài tình chiến hữu, chúng tôi còn lên tiếng để bênh vực cho anh Lý Tống trong tình nhân đạo giữa người Việt Nam với nhau, là những nạn nhân của chế độ cộng sản và của những người không chấp nhận chế độ cộng sản với nhau.

Hải Sơn:Trong thời gian qua, một sự việc cũng gây nhiều chú ý đó là đảng Thăng Tiến Việt Nam đã công khai hình thành ngay trong nước với tên tuổi của những người đại diện công bố rõ ràng. Cha có nhận định gì về việc này, thưa cha?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Trong thời gian từ tháng 4 cho đến nay thì chúng ta nghe nhiều, đọc nhiều và cũng suy nghĩ nhiều về cao trào dân chủ đấu tranh bùng nổ khá mạnh trong nước qua những việc như bản Tuyên Ngôn của khối 8406, sự ra đời của tờ báo Tự Do Ngôn Luận, những sự việc của các nhà tranh đấu trong nước lên tiếng, rồi gần đây, như anh nói là có sự ra đời của đảng Thăng Tiến VN. Tất cả những sự kiện đó nói lên một điều là những sự áp bức lâu ngày bây giờ bắt đầu có sự chống đối trồi lên. Tôi hay dùng lối ví dụ bình dân, cũng giống như trên thân thể của đảng CSVN bây giờ có những mụt nhọt nổi lên và những mụt nhọt đó càng ngày càng lan tràn để cuối cùng nó có thể góp lại và nó hủy hoại thân thể bệnh hoạn đó.

Riêng về việc đảng Thăng Tiến Việt Nam mà anh vừa nhắc tới, có tên tuổi của những người đại diện rõ ràng thì tôi có nhận xét thế này: Đây là một hình thức nặng về biểu tượng hơn là một thực chất của đảng chính trị. Bởi vì, nếu bây giờ đưa ra tên tuổi rõ ràng thì chứng tỏ rằng họ đã thách thức chế độ CS, và chế độ CS với tất cả quyền lực trong tay, họ có thể bao vây và trù dập dễ dàng những thành viên của đảng Thăng Tiến Việt Nam. Cho nên việc này không thể nào đảng Thăng Tiến Việt Nam tổ chức rộng rãi, âm thầm, có tính khoa học, có chiều sâu được. Tôi nghĩ chọn thời điểm lúc này để cho ra đời ra đảng Thăng Tiến Việt Nam có nghĩa là mang tính cách biểu tượng nhiều hơn. Tức là dựa vào phong trào dân chủ đang lên thì một đảng phái chính trị ra đời để chứng tỏ sự hiện diện của mình trước khi người CSVN có những việc quan trọng. Bây giờ họ đang xin vào WTO, hay là khi hội nghị APEC sắp sửa diễn ra v.v… Tất cả những cái đó làm cho người CSVN phải chùn tay lại, không dám mạnh dạn để đàn áp phong trào đối kháng nói chung, hay đảng Thăng Tiến Việt Nam nói riêng. Cho nên đảng Thăng Tiến Việt Nam ra đời cũng giống như một sự chen chân và nếu mà CSVN lùi thì đảng này sẽ tiến. CSVN mở cửa thì đảng này chen vào. Tôi nghĩ rằng đây là một đảng mang tính cách biểu tượng của một nhu cầu thời cuộc hiện tại nhiều hơn là một đảng chánh trị được nghiên cứu kỹ và tổ chức một cách khoa học chu đáo.

Tôi nói như vậy là dựa vào tôi đọc trên internet thấy rằng đảng đó đã đưa ra một mẫu ghi danh đảng viên chẳng hạn. Tôi thấy đây là một sự kiện rất lỏng lẻo, nhưng tôi cũng hiểu được chủ ý của những người sáng lập đảng này. Nếu mà bây giờ mình thâu thập đảng viên mà chỉ đưa lên internet một mẫu như vậy thì ai cũng có thể ký tên gia nhập vào cả và dĩ nhiên là CSVN ký tên nhập đảng một cách dễ dàng. Và khi mà CSVN ký tên vào rồi thì mọi chuyện đâu còn xảy ra theo chiều hướng mà chúng ta suy nghĩ và mong muốn nữa. Đó là điều mà tôi nhận xét về đảng Thăng Tiến Việt Nam trong giai đoạn này.

Hải Sơn: Thưa Cha, ở hải ngoại thì dư luận cũng bàn tán nhiều đến Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ với sự xuất hiện mặt nổi của hai sinh viên trẻ là anh Nguyễn Tiến Trung và cô Hoàng Lan trong cuộc vận động Nối Vòng Tay Lớn. Bàn tán thì có nghĩa là kẻ bênh người chống. Theo quan điểm của Cha thì Cha nhận xét về nhóm trẻ này như thế nào ạ?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Tôi thấy thời gian qua đồng bào Việt Nam ở hải ngoại cũng nói nhiều về hai sinh viên trẻ này với cuộc vận động Nối Vòng Tay Lớn. Điều tôi nhận thấy, đây là một hiện tượng mà tôi không nghĩ rằng tự hai người sinh viên trẻ đó có thể gây ra được một sự chú ý như vậy. Tôi không nghĩ như vậy. Vậy thì bây giờ một cuộc vận động nói chung của một số người, chớ không phải riêng hai người đó, với mục đích gì? Trước tiên, khi theo dõi những lời tuyên bố hoặc những sự vận động thì tôi thấy hai sinh viên trẻ này họ nói rằng sẽ trở về Việt Nam lại. Dĩ nhiên khi trở về trong nước lại thì chắc chắn rằng hai sinh viên này lúc này không thể tuyên bố một cái gì mạnh mẽ, không thể tuyên bố một cái gì dứt khoát đối với đảng CSVN, v.v…

Chiều hướng chung của cuộc vận động này là kêu gọi giới trẻ Việt Nam hải ngoại cũng như trong nước ý thức hơn và tham gia vào những hoạt động chính trị. Hay nói chung là tham gia vào vận mệnh của chính trị Việt Nam.

Lọc lựa qua tất cả những lời tuyên bố, đọc các bài viết cũng như những sự vận động thì tôi có một cảm giác là hai sinh viên đó kêu gọi giới trẻ Việt Nam hãy tham gia vào cuộc vận động chính trị trong nước để làm thế nào chuyển hóa hay lành mạnh hóa đảng CSVN, hơn là có một thái độ dứt khoát với đảng CSVN.

Từ nhận xét đó tôi mới đưa ra một thí dụ. Công việc của hai sinh viên này, tôi suy nghĩ giống như bây giờ Việt Nam mình đang có một thùng sơn màu đỏ, thì bây giờ công cuộc vận động Nối Vòng Tay Lớn này cũng giống như làm thế nào để chúng ta có một thùng sơn màu trắng và đổ vào thùng màu đỏ đó với hy vọng là từ từ màu đỏ đó nó nhạt dần, nhạt dần. Ban đầu trở thành màu nâu, rồi xám, rồi màu xanh, rồi cuối cùng một thời gian nào đó đổ riết vô thì nó trở thành màu trắng. Tức là làm thế nào để có nhiều nước sơn trắng đổ vào trong thùng sơn đỏ đó để rồi cuối cùng thùng sơn đỏ biến màu đi và nó trở thành thùng sơn trắng. Tôi nghĩ đó là cuộc vận động Nối Vòng Tay Lớn hiện nay của một số người đi trong chiều hướng như vậy.

Nhưng từ đó tôi có một suy nghĩ nư sau: Những người có thùng sơn đỏ đó chắc cũng không khờ dại gì để ngồi yên đó khi mà bạn đổ thùng sơn trắng vào và tôi tin chắc người ta cũng sẽ đổ thêm sơn đỏ vào. Và cuối cùng sự mong muốn của mình từ thùng sơn đỏ biến ra thùng sơn trắng, tôi nghĩ rằng rất khó có thể xảy ra. Chúng ta đừng quên rằng đối với CSVN, cái vô sản chuyên chính, cái độc quyền lãnh đạo, cái độc tài… đó là lý tưởng, cách sống còn của họ. Cho nên người CSVN luôn luôn chủ trương rằng phải độc tài thì tất cả những sự cố gắng “lành mạnh hóa đảng” hay là làm cho đảng tôn trọng những nguyên tắc căn bản… tôi nghĩ đó chẳng qua là hình thức mà thôi. Nhưng cốt lõi của vấn đề là đảng CSVN vẫn còn nắm quyền tại Việt Nam.

Chính vì thế mà thưa anh, theo cá nhân tôi nghĩ tất cả cuộc vận động nào, một phong trào nào mà chúng ta chỉ đưa đến một tình trạng nửa vời, tức là làm thế nào để từ từ chuyển hóa hình thức đỏ của đảng CSVN trở thành ra một màu sắc khác hơn thì tôi coi đó chưa phải là một giải pháp cuối cùng của dân tộc Việt Nam. Giải pháp cuối cùng của dân tộc Việt Nam là chế độ CSVN sẽ không còn nắm quyền trên quê hương nữa.
Đó là điều tôi suy nghĩ, chính vì thế mà chủ trương của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn cũng như lập trường của cá nhân chúng tôi và những người mà chúng tôi làm việc chung với nhau là chúng tôi phải đạt cho được cái này: là chế độ CSVN phải bị tụt tay khỏi quyền lực để những đảng phái chính trị khác, để toàn thể dân tộc Việt Nam có cơ hội sống trong một chế độ dân chủ đa nguyên. Và toàn thể dân tộc Việt Nam định đoạt số phẩn của dân tộc Việt Nam chớ không phải chỉ có đảng CSVN định đoạt số phận của dân tộc Việt Nam.

Hải Sơn: Xin cảm ơn Cha đã cho biết quan điểm về những diễn biến chính trị vừa xảy ra. Trước khi kết thúc cuộc trao đổi ngày hôm nay Cha còn điều gì muốn tâm tình thêm với quý thính giả không, thưa cha?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Trong việc tâm tình, có lẽ tôi xin quay trở về với việc vận động chữ ký. Như tôi nói, con số 34,266 chữ ký nói cũng không phải là lớn, cũng không phải là nhỏ nhưng nó là con số nói lên một công tác của dân tộc Việt Nam đứng trước một sự bất công là đảng CSVN và những người chạy ùa theo đảng CSVN đã làm khổ dân tộc Việt Nam bằng cách cướp đi những giá trị tinh thần của dân tộc. Người ta cố ý dàn dựng lên huyền thoại HCM, đánh bóng huyền thoại HCM để cho chế độ Việt Nam bám vào đó mà tồn tại.

Thưa anh, con số 34,266 chữ ký đó tuy là con số nhỏ. Nhưng tôi nghĩ rằng qua cuộc vận động chữ ký này rất đông đồng bào Việt Nam đã ý thức, đã nghe nói tới mặc dầu không xắn tay áo lên để ký tên vào thỉnh nguyện thư này. Nhưng tôi tin chắc rằng những người Việt Nam có lương tri chân chính không ai chấp nhận việc một cái tên của một tổng giáo phận công giáo Việt Nam là Tổng giáo phận Sài Gòn mà bây giờ bị bắt buộc phải đổi tên thành TGP thành phố Hô` Chí Minh. Đây là một sự đau đớn, một sự nhục nhã và là một điều trái với lương tri của con người.

Vậy qua cuộc vận động chữ ký đó, đồng bào đã ý thức. Còn hai tháng nữa là kết thúc, tôi xin đồng bào Việt Nam khắp nơi, những ai chưa có dịp ký tên, những ai chưa có dịp hành động theo lương tri của mình thì đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta ký tên vào đó (http://www.tonggiaophansaigon.org/) và nói lên nguyện vọng chánh đáng của mình. Bởi vì như tôi đã nói trong tất cả các Lời Kêu Gọi, tên gọi thành phố Hô` Chí Minh cũng như tên gọi TGP thành phố Hô` Chí Minh mặc dầu hiện nay chỉ còn tồn tại trên giấy tờ mà thôi, nhưng đó cũng là một điểm ô nhục trong lịch sử Việt Nam và lịch sử của giáo hội công giáo Việt Nam.

Đó là điều tôi xin nhắn gởi đến tất cả quý vị hôm nay và cám ơn anh Hải Sơn cũng như cám ơn chương trình TNPHVN đã dành cho tôi cơ hội để làm sáng tỏ vấn đề trong cuộc trao này.

Hải Sơn:Thay mặt thính giả của chương trình TNPHVN, chúng tôi chân thành cám ơn Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã dành thời giờ tham dự buổi thảo luận ngày hôm nay để trình bày về chiến dịch vận động chữ ký hỗ trợ cho thỉnh nguyện thư của Phong Trào Sài Gòn và nêu lên nhận định về một số sự kiện chính trị. Chúng tôi kính chúc Linh mục được dồi dào sức khỏe và công cuộc vận động chữ ký của Phong Trào Sài Gòn đạt được thành quả mong muốn.

* TIẾNG NÓI PHỤC HƯNG VIỆT NAM, phát thanh mỗi Thứ Năm hàng tuần vào 10 giờ tối (giờ Hoa Thịnh Đốn) trên tần số của Hệ Thống Đài Phát Thanh VIỆT NAM HẢI NGOẠI. Thính giả có thể nghe lạicác buổi phát thanh nầy trong website http://www.phvn.org/